Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011


Từ giã Tuyên Quang

Dứt tiếng ly ca ném chén vàng 
Bồi hồi từ giã đất Tuyên Quang 
Biết tìm đâu thấy người trong mộng 
Khen não nùng thay cảnh dọc đường! 
Cây cỏ ba đông trời cố quốc 
Nước non muôn dặm bóng tà dương. 
Xanh xanh sông uốn bao nhiêu khúc 
Một khúc xa nhau một đoạn trường. 

Người một phương trời, khách một phương 
Đôi lòng ai giắt sợi tơ vương. 
Không quen thuộc đã thành dan díu 
Có biệt ly đành phải nhớ thương. 
Ơn nặng chưa đền cho đất nước, 
Tình riêng tạm gửi với văn chương. 
Thăm nhau muốn hỏi đường trong mộng, 
Núi Tản, sông Lô mấy dặm đường? 

Người bến sông Lô kẻ chợ Bờ 
Tìm nhau chẳng thấy ruột vò tơ! 
Chiếc thân đất trích ta buồn lắm, 
Giấc mộng canh tàn khách tỉnh chưa? 
Sự trước đã lầm ra thế ấy 
Đường xa sớm liệu tự bây giờ 
Mênh mông bốn bề ai tri kỷ? 
Canh tiếng, đèn tàn, tiếng gió mưa!

Tác giả: Nhượng Tống.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011


Bài viết về Tây Sương Ký của nhà thơ Lưu Trọng Lư

Một hôm gần đây, tôi về thăm bạn tôi là ông Nhượng Tống ở một làng hẻo lánh giữa Hà Nam và Nam Định. Bạn tôi là một người đã từng hoạt động nhiều, nhưng khi còn ở chốn xa xăm hay khi "về vườn" (mà sao tôi không gọi được thế?), bạn tôi vẫn tỏ ra là một thi sĩ có nhiều tài, một thi sĩ bình dị, và trong trắng. Hiện nay, an nhàn như một kẻ ẩn dật sĩ, bạn tôi nằm dịch những áng văn cổ như Ly Tao, Hồng Lâu Mộng …

Bản văn bạn tôi vừa dịch xong, chính là bản Tây Sương Ký. Lẽ ra tôi đọc ngay lúc ấy cho thỏa lòng bấy lâu mong ước, nhưng gặp nhau có một đêm, chúng tôi cần phải nói với nhau những chuyện khác. Tôi bình sinh tuy không được đi nhiều, nhưng có điều này rất lấy làm tự đắc là không phải bao giờ cất chân đi cũng là vì một "đại sự", nghĩa là không phải có "đại sự" tôi mới nghĩ đến sự xê dịch … Thường thường, một mình tôi băng hàng mấy trăm cây số để viếng cảnh đẹp hay là chẳng đẹp, đi hàng chục cây số để tới thăm một người bạn thân hay là chẳng thân. Được nói chuyện một đêm với bạn, sáng ăn một bữa cơm rồi lại về, thế cũng đủ lấy làm hoan hỷ … Chúng tôi đã nói về văn chương, về thời thế và về cả kinh doanh nữa … Nhưng có một điều là chúng tôi không nói đến Tây Sương Ký. Có lẽ bạn tôi muốn dành hết cả sự bất ngờ cho tôi trong khi đọc sách.

Hai hôm sau, tôi mở sách ra đọc - một bản thảo gần 250 trang! Thú thật lúc mở sách ra, tôi hơi cảm động, cảm động như khi được nói chuyện lần thứ nhất với một người tình nhân. Sự cảm động ấy dần tiêu tán hết … Đọc gần nửa cuốn sách, tôi luôn luôn như phải nén giữ sự căm giận của tôi. Đã nhiều lần tôi nói lẩm bẩm: "Sách xoàng quá! Thế mà cả nước tàu đều thán phục, thì thật là một sự điên rồ chưa từng thấy …" Thực ra trong hơn trăm trang đầu ấy, cũng có một vài đoạn hay, nhưng cái hay không đủ kéo lại sự bằng phẳng, nhạt phèo của các đoạn khác … Hôm đầu, tôi đành bỏ dở sự đọc thất vọng vô cùng … Tôi nói một mình: "Cái anh Nhượng Tống kể cũng thừa công và rỗi việc thật!" Có lúc tôi muốn ngờ rằng: hoặc giả người dịch bất tài không lột được nguyên văn chăng? Nhưng tôi thiết nghĩ sự bất tài của người ta cũng có hạn, cái anh Nhượng Tống có dịch sai hay dịch kém đến đâu, cũng không thể làm hại người xưa đến thế …! Còn như cái nhà phê bình Thánh Thán múa tay, múa chân, đọc câu văn nào cũng lấy làm đắc ý, thì nghĩa làm sao? Có khi, một chữ, một câu đủ làm cho văn chương ông ta tuôn ra như sông dài biển cả. Tôi nghĩ: "Anh này cũng lại chỉ là một người điên mà thôi!" Nhưng người ấy mà điên thì cả nước tàu ai lại là không điên? Đọc đi đọc lại những lời phê của Thánh Thán, tôi không thể nào tin được rằng nhà phê bình ấy là giống dễ có ở đời, như thường đã sản xuất ở nước ta vào khoảng những năm 1935, 1936. Thánh Thán quả là một nhà văn sáng suốt, tài bộ, sâu sắc, và phong nhã. Một nhà văn tiêu biểu cho cái tinh thần tráng kiện, xuất sắc, có nét, có cạnh của nước Tàu … Nhiều đoạn văn của Thánh Thán có thể ký tên: Pascal. Ta hãy thử đọc vài đoạn nhỏ về văn của Thánh Thán, ở chỗ nói: "cái rất nhỏ …", ở chỗ nói: "núi Khuông Lư", ở chỗ nói: "dâm thư" thì rõ. Đó là những đoạn văn hay trong những đoạn văn hay nhất mà tôi thấy nhan nhản trong những lời phê bình của Thánh Thán. Nhưng tôi sợ đó chỉ là những đoạn văn hay mà thô, và không thể là những lời phê bình đúng.

Tôi cho rằng: Thánh Thán chỉ mượn Tây Sương Ký một cái cớ để nói chuyện với người đời sau, và tôi lại cho rằng: Vở kịch Tây Sương không xứng với lời phê của Thánh Thán. Nhưng tôi có thể nào đọc dở một tập sách danh tiếng như thế không? Và có lên án ngay khi chưa xét hết tập hồ sơ không?

Hôm sau tôi lại mở sách ra, đọc nốt …

Vẫn một đôi cái xoàng xĩnh, nhạt nhẽo ban đầu, nhưng tôi biết từ đây đã xen vào một cái gì, một thứ ánh sáng mới, một sức mạnh huyền diệu … Tôi bắt đầu bị lôi cuốn. Bên cạnh văn "Mái Tây" tôi cũng vẫn đọc những lời phê của Thán, và đã lo cho tài của Thán không xứng với Tây Sương. Đã 12 giờ đêm, tôi vẫn ngồi đọc! Mỗi phút, mỗi trang đưa lại cho tôi một thú vị, một sự bất ngờ. Tôi đã hiểu thế nào là Tây Sương, thế nào là cái hay của Tây Sương, và tôi không cần lời phê của Thánh Thán nữa. Tôi chăm chú, tôi thành kính đọc có một thôi hết vở kịch. Khi gấp sách lại, như có một ngọn gió lạnh thổi qua tâm hồn tôi. Tôi mới hiểu tại sao người xưa lại sợ, không dám đọc những thơ hay trong lúc im lặng.

Bây giờ tôi đã hiểu rồi … Lời tựa của Lý Trác Ngô có lẽ không nên có, cả lời phê của Thánh Thán có lẽ cũng là thừa … Duy chỉ có lời dịch của Nhượng Tống thực là nên có. Vì dầu muốn tiến theo ngả nào, người Việt Nam cũng không thể không biết đến những áng văn như Tây Sương Ký. Ta đã biết cái thiết thực của tư tưởng Khổng Mạnh, ta đã biết cái triết lý bóng bẩy của Lão Trang, ta lại cần phải biết cái thi vị huyền diệu của Tỳ Bà, của Tây Sương, của Ly Tao. Chuyển dịch một tư tưởng từ tiếng này qua tiếng khác không khó, nhưng chuyển dịch một câu văn hay từ tiếng này qua tiếng khác, thật quả không dễ. Nhượng Tống dịch Tây Sương kẻ cũng đã xứng với cái công việc mà mình đã tự uỷ thác cho mình. Vì không những là một nhà nho, Nhượng Tống còn là một thi sĩ nữa.

Vậy thì "Mái Tây" (Tây Sương Ký) là thế nào? Nó chỉ là một vở kịch không phải để diễn, mà cốt để đọc, nó là "một tấc lòng lưu lại ngàn sau", như lời Lý Trác Ngô đã nói.

Cái tấc lòng ấy là một câu chuyện tình xảy ra ở mái tây ngôi chùa Phổ Cứu, một ngôi chùa công đức của bà Võ Tắc Thiên. Cạnh chùa có một biệt thự của một vị tể tướng họ Thôi. Thôi tướng công xây cái biệt thự ấy để làm nơi dưỡng lão; không ngờ trời chẳng độ, tướng công chết ngay hôm lạc thành biệt thự, vì thế cả nhà ở lại chùa, chịu tang. Thôi tiểu thư cũng ở lại, một hôm nàng ra sân chùa đứng chơi, tình cờ gặp Trương Quân Thuỵ là một thư sinh con quan, có chí lớn, vừa phiên lưu vừa cầu học. Thôi Oanh Oanh là một người đẹp. Mà Trương Quân Thuỵ là một khách tài hoa. Cả tấn kịch ở "Mái Tây" là ở đó. Quân Thuỵ cảm Oanh Oanh ngay từ phút đầu nên cố xin ở lại chùa trọ học, cốt để gần Thôi Oanh Oanh. Nhưng thực ra chàng đã tính lầm:

Tuy trong gang tấc mà nghìn quan san …

Càng gần, chàng càng thấy xa Oanh Oanh … Trong thời gian ấy thì không biết bao nhiêu việc nữa xảy ra. Giặc vây chùa, đòi lấy cho được Oanh Oanh. Mẹ Oanh Oanh trong lúc khốn nguy, hứa gả Oanh Oanh cho kẻ nào có thể cứu nguy cho nhà mình. Người ấy tha ôi! Không ngờ lại là Trương Quân Thuỵ, nhưng một khi nguy đã hết rồi thì lời hẹn kia cũng bị quên đi. Mẹ Thôi Oanh Oanh không muốn gả nàng cho Quân Thuỵ nữa, chỉ bằng lòng cho hai người kết làm "anh em" mà thôi. Thôi Oanh Oanh, cũng đau đớn như Quân Thuỵ về sự lỗi hẹn nhưng nàng vẫn tỏ ra là con người nề nếp, phải giữ giá cao … Tất cả sự khổ sở "gian truân" của kẻ si tình là ở chỗ này. Nhưng cuối cùng lễ giáo cũng không giữ được lòng người. Một hôm Oanh Oanh để mình theo dòng tình ái. Nàng tìm tới Trương Quân Thuỵ và hiến cả tấm lòng trinh bạch mà xưa nay nàng vẫn gìn giữ cho chàng. Việc ấy đến tai mẹ, nhưng biết làm thế nào! Mẹ nàng cũng đành để cho hai linh hồn ấy tác hợp với nhau vậy … Nhưng bà không muốn rể bà chỉ là một anh chàng áo vải. Vì thế, giữa ngày ân ái, đã diễn ra cảnh sinh ly. Chàng phải vào kinh chạy theo công danh.

Sự thật đau buồn của hai người thật đã đến chỗ bút không đến được, trừ ngọn bút của tác giả:

Bầu trời thăm thẳm xanh lơ.

Đìu hiu mặt đất lơ thơ hoa vàng.

Gió Tây thổi buốt can tràng.

Về Nam nhạn Bắc kêu thương lạc loài!

Rừng phong anh nguộm đỏ tươi.

Đều là nước mắt những người biệt ly.

Tơ liễu dài, dài có ích chi?

Buộc sao được gót ngựa phi dặm trường?

Sum vui sao khéo muộn màng?

Chia lìa sao khéo vội vàng xót xa!

Rừng thưa ơi, có thương ta?

Vì ta mi níu lấy bóng tà lại nao!

Ngựa kia chầm chậm chứ nào.

Xe này liều liệu theo vào cho mau!

Tương tư vừa mới qua cầu.

Biệt ly lại chuốc mối sầu mênh mang.

Chợt nghe một tiếng "lên đường"

Rụng rời tay ngọc xuyến vàng rộng thênh!


Đó là nỗi buồn mênh mông trong lòng kẻ đi, người du lịch thiên vạn cổ. Nhưng mà thật ra, một khi vừa dứt áo, cái buồn mới bắt đầu … Mà cuộc ly biệt ấy là một cuộc ly biệt lâu dài như trời đất, mà đi một đoạn đường, lại thấy diễn thêm một lần ly cách. Tuy rằng ly cách, mà nào có được rời nhau ra. Từ đây, trong đêm, Trương vẫn nghe có tiếng nói thân yêu theo dõi chàng, tiếng đập lên và dội lại như cái điệp khúc của bài "Ly cách". Có khi chàng thấy nàng đến cạnh mình, hoặc khuyên lơn, hoặc âu yếm … lại một hôm, thấy tiếng gõ cửa, thì chàng lại thấy Oanh Oanh đẩy vào, chàng nói với Oanh Oanh:

Có công lặn lội, theo tìm,

Đường xa sao chẳng mặc thêm áo dầy?

Hài thêu, sương ướt bùn lầy,

Bàn chân đi vội chắc chầy da non!

Sự thương yêu của một người đàn ông như thế thật là tỷ mỷ, thật là không cùng. Nhưng, than ôi! Đó chỉ là lời hỏi han sự thương yêu trong giấc mộng mà thôi. Rồi sau cuộc sinh ly là gì nữa …? Tác giả đã bỏ bút vào hộp, như viên võ tướng tra gươm vào vỏ. Sau quyển sách là sự lặng lẽ, sự tịch mịch của muôn đời … Không một lời nào nói về sự đoàn tụ mà người ta ước mong, không một lời nào nói về người thiếu phụ mà người ta muốn biết số phận, không một lời nào nữa! Ta nên biết rằng: Thôi Oanh Oanh là một cô gái nghìn vàng, lại là một bậc tuyệt thế giai nhân, trước kia đối với gã si tình đương chiều chuộng để yêu cho được mình, thì nàng ra vẻ cao nghiêm biết chừng nào, thế mà khi đã biết số phận mình rồi, nghĩa là đã là vợ của Trương Quân Thuỵ rồi, thì lúc chàng ra đi, nàng chỉ đọc mấy câu:

“Rẻ rúng thôi đành phận,

Van lơn nhớ buổi đầu.

Xin đem lòng lúc trước,

Thương lấy kẻ về sau!”

Thật là giọng của một kẻ biết thân phận mình, thân phận một người vợ trong xã hội Á đông, một người phục tùng, một người khốn khổ. Mà số phận khắt khe của nàng, đến đoạn cuối này chỉ mới bắt đầu vậy.

Ý hẳn người viết ra muốn bảo rằng: Tây Sương Ký không phải là tấn kịch của một người nào, hay của một nhà nào.

"Tây Sương" chính là một tấn kịch vô hồi, diễn đi và diễn lại trong đời người ta, một tấn kịch của mọi người, của mọi nhà, mọi đời.

Ở phương Tây, kịch Romeo và Juliette còn sống mãi, thì kịch Tây Sương Ký ở phương Đông cũng còn chưa chết trong lòng người. Thật là một con thuyền đã cắm neo ngoài dòng thời đại! Thôi Oanh Oanh ở trong lòng mọi người đàn bà, Trương Quân Thuỵ ở trong lòng mọi người đàn ông. Trương và Thôi không phải là giống riêng, do một thời đại nào tạo nên, một xã hội nào sản xuất ra cả.

Lý Trác Ngô trong bài tựa Tây Sương Ký có nói: "Việc viết văn để tấc lòng lại ngìn sau, đáng thương biết mấy". Nhưng ta là người sau, chợt tìm thấy mình, cái hình ảnh mình trong một áng văn, ở một vài nghìn thu trước, việc ấy cũng đáng cảm động, đáng mừng, đáng sung sướng biết bao nhiêu. Cái thú vị đọc Tây Sương Ký ở chỗ đó vậy.

Rút trong tập "Tản văn mới" xuất bản tại Hà Nội.

Dâm thư hay Phép đọc vở Mái Tây của Thánh Thán

1. Ai bảo vở Mái Tây là dâm thư, người ấy ngày sau nhất định phải sa xuống ngục "nhổ lưỡi"! Sao vậy? Vở Mái Tây không phải bỡn, mà là văn hay của trời đất... Từ khi có Trời Đất tất nhiên trong khoảng đó phải có áng văn hay như thế. Không phải ai viết ra cũng được cả, mà là Trời Đất có phép tự mình không kết bỗng soạn lên. Nếu nhất định muốn bảo là của một người viết ra, thì Thánh Thán xin coi người ấy tức là hiện thân của Trời Đất.

2. Vở Mái Tây quyết không phải là dâm thư mà nhất định là một áng văn hay. Từ rầy trở đi, ai bảo là văn hay, ai bảo là dâm thư, Thánh Thán cũng mặc kệ! Kẻ thích văn xem đến cho là văn! Kẻ đã dâm xem đến cho là dâm, thế thôi!

3. Họ sở dĩ cho Mái Tây là dâm thư, chẳng qua chỉ vì trong vở có câu chuyện ấy… Nhưng thử nghĩ kỹ: chuyện ấy thì ngày nào không có? Chỗ nào không có? Có dễ trong Trời Đất có chuyện ấy, thì phế cả Trời Đất đi hay sao? Lại hỏi vì đâu mà có thân ta? Dễ cũng vất cả thân ta đi hay sao? Một bộ sách có vô số là những văn chương phong phú xinh đẹp như vậy, ta nên xét xem phong cảnh xinh đẹp như thế, là hạng văn chương gì? Sinh ra từ đâu? Đi đến chỗ nào? Đi thẳng ra sao? Uốn quanh ra sao? Mở ra thế nào? Chỗ nào đàng hoàng? Chỗ nào lẩn lút? Chỗ nào chấm giải? Chỗ nào bay qua? Đến như chuyện ấy, ta nên gác ra một bên, không nên bàn đến nữa!

4. Ai bảo Mái Tây là dâm thư, người ấy chỉ nên đánh đòn, không cần dậy! Sao vậy? Chỉ vì từ bé hắn đã học một thầy đồ cùn, tai nghe vào rồi, nhớ chôn trong ruột. Chính mắt hắn cũng chưa được trông đến vở Mái Tây! Đánh đòn ra nghĩ cũng còn là oan!

5. Nếu mắt được coi đọc Mái Tây rồi mà cũng bảo là dâm thư, thì hạng đó có nên đánh đòn không? Thưa rằng: Đánh thế cũng là đánh oan! Vì hắn là hạng đồ cùn đó thôi. Lúc viết Mái Tây, người viết đã phát nguyện không cho họ đọc. Quả nhiên ngày nay họ không đọc!

6. Bảo Mái Tây là dâm thư, người ấy thế mà có công đức lớn! Khi xưa viết Mái Tây, đã phát nguyện chỉ để cho các tài tử gấm vóc đời sau cùng đọc chứ không cho hạng gánh rong, hạng lính lệ cũng xúm vào đọc... Nay nếu không có hạng người ấy nắm tay, vung cánh, vỗ giường, đập ghế, chửi là dâm thư, thì thế tất ai ai cũng đọc, để tiết lộ hết cả cái hay, cái kín của Trời Đất! Thánh Thán rất không thích.

Thánh Thán
(Nhượng Tống dịch)

Ghi lại bên lề: thời Thánh Thán có hạng gánh rong, hạng lính lệ, những hạng đấy nhất quyết không nên cho đọc. Ngày xưa viết văn cũng hay, khi viết đề ngay từ đầu: sách này những hạng sau không được đọc. Hạng gánh rong có lẽ là nhà báo thời nay, hạng lính lệ chắc là vẫn không đổi. Tại sao ngay từ thời cổ xưa, những hạng người này đã bị khinh bỉ đến thế? Gia phong vô phúc lắm phải đi làm nghề lính lệ. Có lẽ ngày nay cũng vậy.

Coppy từ blog Đông A.